Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]
Khoa Cử Việt Nam - THI HƯƠNG
-
 PHẦN KẾT
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Kể từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên (1075) đến nhà Nguyễn bãi Khoa cử (1919), nước ta đã tổ chức cả thẩy 146 Ðại khoa, kén được 2413 ông Tiến-sĩ nhưng về thi Hương thời trước sách sử không ghi chép rõ chỉ có Cao xuân Dục, trong Quốc Triều Hương Khoa Lục, cho biết riêng nhà Nguyễn đã tổ chức 47 khoa thi Hương, kén được 5190 ông Cử-nhân.

Sau đây là chi tiết các khoa thi Hương thời nhà Nguyễn :

Các triều vua Số các khoa Số người đỗ Cử-nhân

Gia-Long (1802-19) 3 235

Minh-Mệnh (1820-40) 8 731

Thiệu-Trị (1841-7) 5 600

Tự-Ðức (1848-83) 17 1.853

Kiến-Phúc (1884-5) 1 139

Ðồng-Khánh (1886-8) 3 238

Thành-Thái (1889-1907) 6 959

Duy-Tân (1907-16) 3 376

Khải-Ðịnh (1916-25) 1 59

Tổng cộng 47 khoa (gồm 36 chính khoa và 11 ân khoa). Số người đỗ nhiều nhất trong một khoa , cộng tất cả các trường, là 165 người (khoa 1848), số trường thi nhìều nhất trong một khoa là 8 trường.

Khoa cử và đạo Nho đã chi phối sâu xa nước ta. Nếu Trung quốc nhìn nhận nước Nam là "văn hiến chi bang" ngay từ thời nhà Trần, chưa chắc đã vì nhà Tống muốn học phép tổ chức quân đội của ta, hay sau này nhà Minh học cách chế tạo súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng mà chính là vì ta có một tổ chức xã hội có quy củ, đặc biệt là tổ chức giáo dục và Khoa cử sớm hoàn bị. Khoa cử chỉ mới bị bãi bỏ từ 1919 mà ngày nay phần đông chúng ta không biết Khoa cử là gì, hoặc chỉ hiểu một cách lờ mờ, sai lạc. Trương Bá Cần than phiền :"Trừ Trung quốc, Nhật, Cao-ly và ta, không có nước nào "lấy văn chương để chọn nhân tài", có ý chê cái học của ta viển vông, song tôi từng đọc trong thư viện Sorbonne ở Paris thấy có những đề tài luận án của người Pháp xưa kia cũng rất viển vông, thí dụ :"Có bao nhiêu thiên thần nhẩy múa được trên đầu một cái đinh ghim ?", thế sao người Pháp vẫn thắng ta dễ dàng, vẫn đô hộ ta ? Huống chi Khoa cử thực sự không phải chỉ thi văn chương thơ phú, vì kỳ thi quyết định là thi văn sách, chuyên hỏi về mưu lược làm cho nước giầu, dân an, ấy là chưa kể khoa 1835 bỏ không thi cả thơ phú nữa thì lấy đâu mà "dùng văn chương để kén nhân tài" ? Có lẽ chúng ta hiểu lầm phần nào vì ai đó xưa kia đã dịch bậy Khoa cử là "Concours littéraires" ? Cương Mục chép :"Năm 1086 Tư Mã Quang xin đặt mười khoa kén nho sĩ : ngay thẳng, mưu trí, sức khỏe, biết rộng, văn nhã, tài chính, pháp lệnh vv. được vua nhà Tống nghe theo (1).

Trương Bá Cần thuộc lớp hậu sinh, có thể đã bị ảnh hưởng của những bậc tiền bối có uy tín và hiểu rõ Khoa cử như Phan Bội Châu ? Phan Bội Châu viết :"Trung quốc bỏ Khoa cử từ năm Canh Tý (1900), Triều Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ (1894), đó là một việc nhơ nhớp duy chỉ nước ta còn có mà thôi" và "cái mà ngàn muôn người khạc nhổ ra thì nước ta lại nhặt lấy mà nuốt ực vào" (2). Lúc ấy ở Trung quốc cũng như ở Việt-Nam phong trào bài Khoa cử đang lên, người ta cho là Khoa cử chỉ đào tạo ra một lũ tham quan ô lại, sách nhiễu dân chúng thì giỏi nhưng hoàn toàn bất lực trong việc bảo vệ đất nước, đặc biệt là trước súng ống của Tây phương. Do đó cha ông ta trút hết tội lỗi làm mất nước lên đầu giới lãnh đạo do Khoa mục xuất thân rồi từ đó phủ nhận luôn cả những khía cạnh tích cực của Khoa cử và đạo Nho.

Thế nhưng những nước láng giềng của ta như Căm-bốt, Lào cũng bị Pháp đô hộ như ta, xa hơn là Phi-luật-tân bị Tây-ban-nha chiếm, Tích-lan bị Bồ-đào-nha rồi Hà-lan, Miến-điện, In-đô-nê-xia, Ấn-độ bị người Hà-lan, người Anh khống chế vv... họ có dùng Khoa cử đâu mà nước họ cũng mất vào tay người Tây phương ?

Huỳnh Thúc Kháng kết tội Khoa cử rất nghiêm khắc, song cũng công nhận ta mất nước không phải hoàn toàn lỗi ở Khoa cử, ông đã nhận ra Khoa cử tuy bị bãi nhưng cái óc chỉ học để thi đỗ "vinh thân phì gia", không chịu tự mình tìm tòi phát minh những cái mới lạ thì, dù là theo tây học, nó vẫn còn :"Chẳng qua ngày trước nói Khổng, Mạnh thì ngày nay thay vào Hi-lạp, La-mã, Mạnh-đức-thư-cưu (Montesquieu), Lư-thoa (Rousseau), đổi cái "chi, hồ, giả, dã" bước sang "a,b,c,d". Phan Chu Trinh nối lời :"Ngày trước học chữ Hán thì làm hủ nho, ngày nay học Tây thì làm hủ Âu" (3).

Thời bị Pháp chiếm đóng đã qua, chúng ta có thể bình tâm suy xét chế độ Khoa cử một cách công bằng hơn. Phan Huy Chú viết trong Khoa Mục Chí :"Xem việc thi cử hay hay dở thì biết nước thịnh hay suy". Thời thịnh của Khoa cử là thời kẻ sĩ coi nó chỉ là phương tiện tiến thân, tạo cơ hội cho mình ra làm quan, đem tài trí ra gánh vác việc trị nước an dân, đạo đức vẫn là cái chính, văn học chỉ là thứ yếu (phải hiểu "văn" theo nghĩa rộng, gồm cả triết lý, giáo dục, thuật trị an vv. chứ không phải chỉ luyện tập câu văn cho hoa mỹ).

Song bất cứ một chế độ nào dù hay đến đâu cũng phải có lúc suy thoái huống chi Khoa cử đã thọ ở Việt-Nam cả nghìn năm, ở Trung quốc non hai nghìn năm. Ðành rằng chế độ Khoa cử ngày càng hủ bại, song có thật lỗi ở Khoa cử hay ở người áp dụng nó đã không biết tùy thời mà cải cách ? Con dao sắc đến mấy dùng mãi cũng phải cùn, ta không biết mài cho nó bén trở lại, lại đi đổ lỗi cho dao xấu, vứt đi mua con dao khác thì suốt đời ta phải mua dao mới, trông cậy vào người khác chứ không tự trông vào mình được.

Vì bị thất bại thảm hại với quân viễn chinh Pháp chúng ta đã lên án Khoa cử nặng nề, thiên lệch. Song ta hãy thử xem những người Pháp đã thắng chúng ta, khi mới đặt chân đến nước ta đã nhận xét về chế độ Khoa cử, về các nho sĩ và các ông quan như thế nào ?

- Ngay từ năm 1884, nhà văn Jules Boissière, Phó Trú sứ Bắc kỳ, đã viết :"Ở Pháp, chúng ta không mảy may biết gì về các ông quan, về những nhà nho có nụ cười tế nhị, những luồng mắt sắc sảo được che giấu, những đôi tay gầy ẩn trong áo rộng thùng thình, những bộ óc khoan hòa, những thông minh tích cực. Họ biết khi nào nên thưa thốt, khi nào nên giữ im lặng (...) Người Việt bẩm sinh có óc thực tế, họ khiến ta phải ngạc nhiên trước những ý kiến uyển chuyển, tinh tế, khái quát (...) Họ tuân theo và tôn trọng một trật tự xã hội mà họ am hiểu và tin tưởng.

Các quan người Việt thích giầu về uy tín và danh dự do những hành động đẹp đẽ của họ mang lại hơn là giầu về tiền của, ruộng đất. Khắp cả nước Nam chỉ có độ một trăm ông quan có tài sản trên một trăm mẫu ruộng" (4).

- Năm 1886, Paulin Vial, quyền Tổng Trú sứ, cũng viết :"Các nho sĩ là cả một đội quân hùng mạnh trên 50 000 người ở rải rác khắp nước. Họ hiểu rõ, có lẽ còn hơn chúng ta, về nghệ thuật trị an. Chúng ta nên thành thật nghiêng mình trước những con người thực sự hiểu biết, có nhân phẩm và độ lượng ấy" (5).

- Báo cáo của Thống sứ Bắc kỳ gửi cho Toàn quyền Richard ngày 5/2/1889 nói rõ :"Ở đây từng lớp lãnh đạo được chọn lựa trên cơ sở trí tuệ và học vấn mạnh hơn ở nhiều nước châu Âu mà từng lớp lãnh đạo thường thường căn cứ trên sự thế truyền và tài sản" (6).

- Paul Doumer, Toàn quyền Ðông-dương (1897-1902) viết trong Hồi Ký :"Nguyễn Trọng Hiệp là một trong những nhân vật đặc sắc nhất mà tôi đã gập ở Ðông-dương. Ông ta là một ông quan xuất thân từ Khoa cử, dòng dõi thế gia, có một trình độ trí thức rất cao, tế nhị và có óc phán đoán minh mẫn, tuyệt đối trung trực. Những người Pháp ở Huế nhìn nhận Nguyễn Trọng Hiệp thông minh, khôn khéo, nhưng có ý ngờ vực ông ta (...). Ông thuộc loại người hết sức chống đối việc chúng ta can thiệp vào nội trị nước Nam, tìm đủ mọi cách để bảo toàn những đặc quyền của hoàng gia được phần nào hay phần ấy (...). Ở vai trò khó khăn của một nhà lãnh đạo trong một chính phủ bị bảo hộ, ông không để mất phẩm cách, biết phản đối những biện pháp của kẻ thắng trận nếu xét ra nó nguy hại hay không tốt cho nước mình, ông thường làm trạng sư bênh vực quyền lợi của dân tộc An-Nam những khi thấy là cần thiết. Thái độ này đã khiến những nhà cầm quyền Pháp, muốn có một sự phục tùng thụ động, không mấy hài lòng. Hẳn Nguyễn Trọng Hiệp đã bắt gập nhiều cử chỉ nghi ngờ, đã tiếp nhận nhiều tủi nhục khiến ông đau khổ và thất vọng" (7).

- Khôi hài nhất có lẽ là câu chuyện do Toàn quyền Pierre Pasquier kể :"Tôi còn nhớ năm 1898, ở "Cau Do" (8), một buổi sáng ông Công sứ và tôi giật mình vì tiếng chiêng trống khua inh ỏi đổ hồi. Sai người chạy giấy ra xem có chuyện gì thì hắn ta quay lại tinh quái báo cáo rằng đấy chỉ là một đám rước. Tiếng chiêng trống tiến lại gần, rồi những người thổi sáo, đánh trống dừng lại ở trước cửa dinh Công sứ. Tôi trông thấy cờ xí và một đám đông, và trên đầu đám đông xuất hiện một cái mui võng, giống như cái kén con sâu, do mấy người phu khiêng.

Chiêng trống ngừng, rồi có sáu người tách ra khỏi đám đông, phủ phục xuống lạy chúng tôi theo đúng nghi thức. Người nhiều tuổi nhất lên tiếng, đại khái nói :

"Chúng tôi kính chào các quan lớn, chúng tôi là những cai tổng, phó tổng huyện Phú-xuyên. Sau khi quan huyện cũ của chúng tôi đổi đi nơi khác, nhà nước đã thương mà không để hạt chúng tôi thiếu người cai trị. Hiềm vì có lẽ nhà nước đã nhầm, bởi quan huyện mới của chúng tôi không thể và không phải là một ông quan. Hạt chúng tôi có rất nhiều nho sĩ, Cử-nhân và cả Tiến-sĩ nữa. Có lẽ nào một vị quan đầu tỉnh của chúng tôi lại học lực kém, bằng cấp thấp hơn dân bản hạt được ? Thế mà quan huyện mới của chúng tôi đến cái bằng Tú-tài cũng không có, thử hỏi làm sao có thể sai khiến chúng tôi ? (...) Vì lợi ích của chính phủ, chúng tôi đem quan huyện mới này trả lại để xin cho một vị khoa bảng đến trị nhậm thay. Ðược như thế thì dân chúng tôi muôn vàn cảm tạ các quan lớn".

Ông huyện mới ấy không có bằng cấp nhưng là người đã giúp việc đắc lực cho chúng ta. Khi mới chiếm được nước Nam, chúng ta đã lầm lỡ nâng lên hàng quan chức những người cộng tác với chúng ta. Dân tộc An-Nam lấy làm hãnh diện có những ông quan có kiến thức, có đức độ, gây được uy tín trong cả một vùng. Cả huyện kèn trống ầm ỹ khiêng trả quan huyện mới chỉ vì ông này không do khoa bảng xuất thân. Ông ta giữ thể diện bằng cách đột nhiên khám phá ra mình mắc bệnh nặng cần phải lập tức xin từ chức.

Ta không thể nài ép dân chúng phải nhận viên huyện quan ấy. Lần đầu họ cười cười, coi là trò đùa nhưng rất có thể họ sẽ phẫn nộ và bắt ông huyện ấy phải trả bằng một giá rất đắt nếu ông ta không chịu thoái vị. Ðây là những phong tục làm chúng ta hơi sửng sốt, chúng ta không thể hình dung được cái quang cảnh dân Pháp mang trả lại một viên "Phó Tỉnh trưởng" chỉ vì viên này "quên" mảnh bằng Cử-nhân" (9).

Ngày nay một số người yên trí Khoa cử ở nước ta bị bãi bỏ là do người Pháp cưỡng ép, muốn thay thế ảnh hưởng Trung quốc bằng ảnh hưởng của Pháp, thực ra ngay từ trước khi Pháp đô hộ, nước ta đã không thiếu gì người như Phạm Phú Thứ (1820-81), Nguyễn Trường Tộ (1830-71), chủ trương cải cách Khoa cử, đặc biệt là Trần Bích San (1840-78) đã đỗ tới Tam Nguyên mà cũng đề nghị bãi Khoa cử, theo Tân chế.

Ta chê Nho giáo và Khoa cử thực ra là chê cái học không cập nhật hóa, quá thiên về đạo đức nên thiếu thực dụng, song không nên quên rằng chính Khổng Tử dậy "Thuật nhi bất tác" tức là phải tiếp tục phát triển cái cổ để cải tiến nó, hoàn thiện nó.

Khoa cử là cách kén người tương đối công bằng và bình đẳng. Trên khắp thế giới ngày nay người ta vẫn tiếp tục dùng phép thi cử để kén nhân tài. Việt-Nam đã biết tổ chức Khoa cử từ thế kỷ thứ 11, nước Pháp mãi đến thế kỷ thứ 18 mới biết dùng đến Khoa cử.

Ở nước ta, Nho học và Khoa cử đã đào tạo ra một từng lớp sĩ phu có đức độ, có khí tiết, có một nếp sống bình dị nhưng cao quý, một giai cấp rất có uy tín trong dân gian xưa kia. Phái Tân học ngày nay tuy không biết đến đạo Nho nhưng vẫn thừa hưởng cái uy tín của từng lớp sĩ phu thuở trước để lại. Nguyễn Kiên Trung kể trong Ðem tâm tình viết lịch sử rằng sau hội nghị Genève ông gập một đoàn người di tản đang phân vân không biết đi đâu, họ đã hướng vào ông đặt câu hỏi, có lẽ bằng vào cặp kính trắng là dấu hiệu của người có học :"Ông ơi, chúng cháu đi về đâu bây giờ ?". Mặc dầu họ không biết tôi, trong đáy sâu của bản năng, họ vẫn tin tưởng ở từng lớp trí thức theo một truyền thống chưa bao giờ đứt đoạn" (10).

Nho học có công đào tạo một từng lớp sĩ phu chính trực và đức độ, đã giúp vua trị nước, bảo vệ tổ quốc, được dân chúng kính nể và tin cậy. Nho đạo sở dĩ bành trướng mau chóng và lâu bền phần lớn là nhờ Khoa cử, cho nên công bình mà nói, Khoa cử không phải chỉ có tội đối với quốc dân ta.

CHÚ THÍCH

1 - T.B. Cần, Nguyễn Trường Tộ, tr. 192 - Cương Mục, XX, tr. 34.

2 - Phan Bội Châu, Việt-Nam Quốc Sử Khảo, tr. 69.

3 - Phan Bội Châu, Khổng Học Ðăng, tr. 774-86.

4 - Jules Boissière, tr. 100, 426-7.

5 - Paulin Vial, tr. 482-3.

6 - Nguyễn Xuân Thọ, tr. 409.

7 - Paul Doumer, tr. 173-5.

8 - "Cau Do" : Chu Thiên (Bóng Nước Hồ Gươm, II, tr. 493) cho biết Toàn quyền Doumer đã dời tỉnh lỵ Hà-nội ra Cầu Ðơ, đổi tên là tỉnh Cầu Ðơ.

9 - Pierre Pasquier, tr. 110-1, ví ông huyện với "Sous-Préfet" (tạm dịch là Phó Tỉnh trưởng) không được đúng lắm. Một ông huyện không có bằng cấp khác với "quên" bằng cấp.

10 - Nguyễn Kiên Trung, Ðem tâm tình viết lịch sử, tr. 190.